Giải đấu có sự tham gia của hơn 100 cán bộ - giảng viên, sinh viên đến từ 8 trường đại học, học viện và cao đẳng khu vực Hà Nội gồm: Đại học Thủy lợi, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Cao đẳng FPT, Đại học Công nghiệp, ĐH Đông Á, Đại học Vin và Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội.
Các VĐV thi đấu tại 2 khối: khối dành cho cán bộ - giảng viên và khối dành cho sinh viên. Các VĐV khối cán bộ - giảng viên thi đấu ở các nội dung cá nhân: 50m bướm nam, 50m ếch (nam, nữ), 50m ngửa (nam, nữ), 50m tự do (nam, nữ), 100m ếch (nam, nữ), 100m tự do nam, Tiếp sức tự do nam, Tiếp sức mix nam nữ. Các VĐV khối sinh viên thi đấu ở nội dung: 50m bướm (nam, nữ), 50m ếch (nam, nữ), 50m ngửa (nam, nữ), 50m tự do (nam, nữ), 100m tự do (nam, nữ), 100m ếch (nam, nữ), Tiếp sức tự do (nam, nữ), Tiếp sức mix nam nữ, Tiếp sức hỗn hợp.
Kết quả, với thành tích đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, Trường Bách Khoa Hà Nội Hà Nội giành vị trí nhất toàn đoàn. Vị trí thứ 2 thuộc về Đại học SP TDTT Hà Nội, Trường Đại học Thủy Lợi giữ vị trí thứ ba.
Đặc biệt, VĐV là tân sinh viên K65 của Trường Đại học Thủy lợi đã xuất sắc giành Huy chương vàng cự ly bơi Tự do 100m nữ và Huy chương đồng cự ly 50m tự do nữ, cùng đồng đội giành huy chương Bạc đồng đội tiếp sức nữ.
Cùng với đó, sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng Trường Đại học Thủy lợi ba năm liên tiếp giành Huy chương vàng cự ly 50m ếch nam, Huy chương vàng cự ly 100m tự do nam.
Đóng góp chung vào thành tích của đội tuyển bơi Đại học Thủy lợi còn có các VĐV Sinh viên Nguyễn Thảo Duyên, sinh viên Đinh Mạnh Đạt, sinh viên Tạ Phương Thảo, sinh viên Tạ Thị Bích Ngọc, sinh viên Nguyễn Đình Tạo, sinh viên Phạm Trọng Chung, sinh viên Lê Hồng Phong, sinh viên Trần Lê Anh. Toàn đoàn đã giành 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 5 Huy chương đồng, 9 Giải Khuyến khích.
Theo chia sẻ của ông Vũ Văn Trung – Trưởng BM Giáo dục Thể chất, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Thủy lợi: đây là lần thứ 3, Trường Đại học Thủy lợi được đăng cai giải Bơi cán bộ, giảng viên, sinh viên khối các trường Đại học, Cao đẳng khu vực địa bàn Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy phong trào Bơi đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên rất có tiềm năng. Giải đấu đã được tổ chức nhiều năm, do đó có thể thấy kết quả, trình độ kỹ thuật cũng như thể lực cũng như công tác chuẩn bị của các đơn vị tham dự giải rất chuyên nghiệp.
Qua giải đấu này, chúng tôi cũng mong muốn tạo ra hiệu ứng để khích lệ tập luyện môn Bơi trong lứa tuổi học đường. Việc tạo ra các sân chơi này không chỉ giúp Sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thủ đô nói chung, sinh viên trườngThủy Lợi nói riêng dành thời gian quan tâm hơn nữa tới việc tập và rèn luyện kỹ năng Bơi lội. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, kỹ năng Bơi lội và phòng chống đuối nước của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Hàng năm, mỗi mùa hè khép lại, số liệu cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên bị tai nạn trong môi trường nước là rất lớn. Chính vì vậy, việc tổ chức tập luyện môn Bơi là một yêu cầu cấp thiết. Bộ Giáo dục Đào tạo đã chỉ đạo các trường triển khai phổ cập môn Bơi, tuy nhiên, để triển khai môn Bơi là điều khó khăn bởi cần phải có hồ bơi, bể bơi và điều này thì không phải trường Đại học nào cũng có được. Trường Đại học Thủy lợi có một lợi thế là có bể bơi và vừa qua được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhà trường, bể bơi đã được lắp đặt hệ thống mái che và số giờ học cho sinh viên hoạt động tăng lên. Đây là một trong những hướng phát triển công giáo dục thể chất nói chung và môn Bơi nói riêng trong sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc. Ông Trung nhấn mạnh.
Bình Dương, Ảnh: CLB Báo chí và Truyền thông TLU