Cuối tháng 8 vừa qua, nhóm 7 trường đại học kỹ thuật gồm: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động hợp tác giai đoạn 2020-2023.
Được biết, giai đoạn này nhóm 7 trường đại học kỹ thuật (nhóm G7) đã ký kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Hợp tác phát triển chương trình đào tạo kỹ sư; Hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng, truyền thông; Hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hợp tác kiểm định quốc tế và đảm bảo chất lượng và Hợp tác trong chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng.
Sự hợp tác toàn diện của 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật (nhóm G7) đã tạo sức bật lớn cho các trường đại học, định hình được nguồn nhân lực chất lượng cao. Không những vậy, hoạt động này là cơ hội giúp sinh viên bắt nhịp với đổi mới, yêu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường.
Cạnh tranh giáo dục và hợp tác giáo dục luôn song hành với nhau
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có những chia sẻ về hiệu quả và thách thức trong việc hợp tác của 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật thời gian vừa qua.
Thầy Xuân Anh cho biết, việc hợp tác của 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật là sự vận động trong xu thế phát triển của các trường đại học trên thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam. Cạnh tranh giáo dục và hợp tác giáo dục luôn song hành với nhau.
Trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục như hiện nay, thầy Xuân Anh đã chỉ ra những lý do giúp nhóm G7 có sự hợp tác và gắn kết trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm chung của các trường thuộc khối kĩ thuật về lĩnh vực đào tạo, ngành nghề đào tạo, có sự tương đồng về quy mô, đặc tính.
Thứ hai, 7 trường thuộc khối kĩ thuật đều là những trường có truyền thống lâu đời về đào tạo kỹ sư. “Sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược của các trường đều hướng tới chương trình đào tạo chất lượng trong khu vực cũng như quốc tế. Từ những điểm chung đó đã tạo ra sự hợp tác và vận động của 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật”, thầy Xuân Anh nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Website trường |
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cùng 6 trường đại học thuộc khối kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam ký kết, triển khai hoạt động được 3 năm. Từ tháng 6 năm 2020, nhóm G7 có sự hợp tác đầu tiên về phát triển chương trình đào tạo kỹ sư.
Sau đó là hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng, truyền thông (tháng 1/2021); hợp tác truyền thông (tháng 4/2021); hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (tháng 9/2022); hợp tác kiểm định quốc tế và đảm bảo chất lượng (tháng 12/2022); hợp tác trong chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng (tháng 3/2023); hợp tác về chuyển đổi số trong quản trị đại học (tháng 8/2023).
Cũng là đơn vị nằm trong nhóm G7, Tiến sĩ Trần Khắc Thạc – Trường Phòng Đào tạo – Trường Đại học Thủy Lợi nhấn mạnh về những giá trị từ hoạt động hợp tác giữa các trường đại học: “Các trường đại học tại Việt Nam cần có sự hợp tác đặc biệt là những trường có sự tương đồng về lĩnh vực đào tạo nhằm giúp các trường vừa “không giẫm chân lên nhau” vừa phát huy tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm, phòng thực hành từ đó tận dụng được nguồn lực của nhau.
Lâu nay, mọi người vẫn thường nói rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình còn muốn đi xa thì đi cùng nhau” do đó, nhóm G7 xác định càng có cạnh tranh trong giáo dục, càng phải đi cùng nhau, thúc đẩy nhau để cùng phát triển. Từ đó hình thành môi trường giáo dục lành mạnh”.
Chuẩn hóa giáo dục theo Khung trình độ quốc gia
Từ biên bản ghi nhớ hợp tác về một số lĩnh vực quan trọng, đến việc triển khai thực tế thông qua chuyên đề cụ thể của từng trường đã tạo ra những hiệu quả nhất định trên nhiều khía cạnh thuộc lĩnh vực giáo dục.
Theo thầy Thạc, xét về khía cạnh cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Thủy Lợi giảm được nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hệ thống quản trị. Nhóm 7 trường cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục cũng như tận dụng tối đa nguồn học liệu, giúp cho sinh viên các trường tiếp cận đa dạng nguồn tài liệu học thuật vô hạn.
Còn xét về khía cạnh người được đào tạo, sinh viên có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập khác nhau, sinh viên của 6 trường có thể xin sang Trường Đại học Thủy Lợi học tập và nghiên cứu ở một số môn học, hay một học kỳ, thậm chí là chuyển trường. Kết quả học tập của sinh viên đều được 7 trường công nhận.
Để đạt được những kết quả này, ngay sau khi kí kết biên bản hợp tác, nhóm G7 đã cùng xây dựng một nền tảng chung về khung chương trình, về khối lượng kiến thức. Từ đó có thể công nhận và thiết lập mặt bằng chung về trình độ kỹ sư của các trường thuộc khối kỹ thuật giúp sinh viên sau khi ra trường sẽ thích nghi và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Cùng với đó, sinh viên được tiếp cận với nguồn học liệu, với thầy, cô ở các trường khác để học hỏi thêm nhiều trường phái học thuật khác nhau trong cùng một lĩnh vực.
Về công tác tuyển sinh, các trường sẽ cùng nhau tuyển sinh, tạo ra sự liên thông, sinh viên có cơ hội nắm bắt thông tin về ngành nghề của các trường, từ đó có sự lựa chọn rộng mở hơn.
Tiến sĩ Trần Khắc Thạc – Trưởng Phòng Đào tạo – Trường Đại học Thủy Lợi. Ảnh: Thảo Ly |
Triển khai thực tế với định hướng rõ ràng và cụ thể, hợp tác phát triển về chương trình đào tạo kỹ sư được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hóa, ngoài ra, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: Mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân-kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm); và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.
Thầy Xuân Anh chia sẻ: “Với mục tiêu là đào tạo đầu ra sản phẩm là kỹ sư có trình độ chuyên sâu hơn, cao hơn và xét về mặt chất lượng sẽ được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao hơn.
Hợp tác về phát triển chương trình đào tạo này là cơ hội 7 trường triển khai giáo dục theo xu hướng quốc tế, đồng thời thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học”.
Đồng quan điểm với thầy Xuân Anh, thầy Thạc khẳng định: “Hiện tại, nhóm G7 mong muốn đào tạo người học sau khi ra trường phải thích nghi được với sự đổi mới của công nghệ, của doanh nghiệp. Chúng tôi không đào tạo người học theo kiểu học gì ra trường chỉ biết làm cái đó”.
Nghiên cứu khoa học gắn lợi ích của xã hội
Hoạt động hợp tác toàn diện trên nhiều mặt cũng là cơ sở quan trọng giúp nhóm 7 trường đại học khối kĩ thuật nâng cao hiệu quả thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Đại diện Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, hiện nay, trường đang tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như chống sạt lở đất ở vùng núi, ven biển và ven các con sông lớn, giải pháp thau chua rửa mặn, chống xâm nhập mặn,… Những đề tài trên đều đã có những thành tựu nhất định và mang lại lợi ích cho xã hội.
Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường một năm bình quân từ 200-300 tỷ đồng, điều này giúp thầy cô có cơ hội áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế.
Sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi nghiên cứu khoa học. Ảnh: website trường |
Được biết, đối với các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nhóm G7 thỏa thuận cùng nhau hợp tác nghiên cứu các dự án liên ngành, liên trường, từ đó phát triển được các dự án lớn.
Sau cùng, những lĩnh vực mà 7 trường hợp tác đều dựa trên tình hình thực tế của xã hội. Thầy Xuân Anh bày tỏ: “Tôi cho rằng việc hợp tác này là nền tảng cho sự phát triển chung của 7 trường cũng như sự phát triển riêng của mỗi cơ sở giáo dục. Không phân định được lĩnh vực nào được đánh giá cao, hay kỳ vọng nhiều vì có lĩnh vực có thể nhìn nhận được kết quả sau khi triển khai nhưng cũng có lĩnh vực cần sự hợp tác, phối hợp lâu dài”.
Theo Báo Giaoduc.net